Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa." Công đoàn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tiền thân của Công đoàn Việt Nam là tổ chức Công hội ra đời vào cuối năm 1924, đầu năm 1925 tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động) là người đặt cơ sở lý luận đầu tiên cho công đoàn Việt Nam. Chính Người đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động và đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng Sản Đoàn. Người cũng đề ra việc “vô sản hoá” – đi vào các xí nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân vào tổ chức Công hội. Đến cuối năm 1928, đầu năm 1929, nhiều tổ chức Công hội đỏ được thành lập ở các xí nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành tổng Công hội đỏ cấp tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai). Đến ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Đại hội thành lập tổng Công hội đỏ miền Bắc đã khai mạc. Đại hội thông qua các nhiệm vụ đấu tranh và điều lệ tóm tắt, quyết định ra tờ báo Lao động và tạp chí Công Hội Đỏ, bầu Ban chấp hành. Từ đó, các tổng Công hội đỏ ở miền Trung, miền Nam, được thành lập và hoạt động khắp cả nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn: Công hội đỏ (1929 – 1935); Nghiệp đoàn Ái Hữu (1936 – 1939); Công nhân Phản Đế (1939 – 1941); Công nhân cứu quốc (1941 – 1945); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946 – 1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 – 1988); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 đến nay).
Đến năm 1983, Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công đoàn có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng thời cũng là người đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.