BÀI DỰ THI VIẾT VỀ THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG
Học sinh : Dương Thị Hương - Lớp:11B8
NGƯỜI MẸ HIỀN THỨ HAI
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”!
Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến - Ngôi nhà thứ hai, luôn là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất cuộc đời mỗi lứa học sinh chúng em. Nơi đây, thầy cô là những người cha người mẹ, còn bạn bè là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có ấn tượng với một thầy cô giáo nào đó, những người để lại cho ta những bài học kinh nghiệm suốt đời hoặc vực ta đứng dậy từ những lần vấp ngã, hay đơn giản là cách giảng bài sâu sắc mà không sao quên được. Tôi cũng vậy, tuy mới bước chân vào ngôi trường được hơn một năm – nhưng người để tôi ghi nhớ nhất là cô Huế, cô là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của tôi từ năm lớp 10.
Ngày đầu ngỡ ngàng bước vào lớp mười, tôi thấy hơi buồn và tự ti vì các bạn của tôi đều lần lượt vào học tại trường Vĩnh Bảo, cộng với sự lạ lẫm với bạn bè nên tôi ngồi riêng biệt hẳn một góc. Đang ngồi suy nghĩ thì thấy các bạn lần lượt đứng lên chào cô, tôi cũng vội vàng đứng dậy. Buổi đầu tiên gặp gỡ, cô bước vào lớp với chiếc khẩu trang bịt kín mặt, chúng tôi có chút nhốn nháo và bắt đầu đoán già đoán non không biêt cô già hay trẻ, rồi có xinh không nhỉ.... Sau khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi, cô nói : tại cái con Côrona mà khiến cô trò mình gần nhau mà chưa biết được mặt nhau, sau này hết dịch bỏ khẩu trang có khi cô trò mình lại không nhận ra nhau ấy nhỉ. Tôi cũng phát hiện ra rằng giọng cô rất to và rõ ràng mặc dù phải nói qua lớp khẩu trang. Cô nói cô sinh ra và lớn lên tại quê hương Vĩnh Bảo mình, tuổi thơ của cô vất vả nên cô quyết tâm học thật tốt để sau này có việc làm ổn định và giúp ích cho quê hương của mình. Cũng buổi đầu tiên ấy như đoán được tâm trạng của chúng tôi, cô đã nói : “ các em lựa chọn vào học tại trường THPT Nguyễn Khuyến là sự lựa chọn đúng vì đã biết lựa sức mình, mà biết lựa sức mình thì trăm trận trăm thắng”. Cô còn nói nếu một người có cả tài và đức thì rất hoàn hảo, nếu chỉ có một nửa thì cần phải chọn đức trước, rồi cô nhắc nhở về nội quy học sinh, về những điều học sinh nên làm và không nên làm trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Vậy là giờ học mở màn là giờ học về tư tưởng, đạo đức; cô đã đốn tim trọn vẹn bốn mươi ba thành viên 10C8, đặc biệt là tôi, cảm nhận được một tâm hồn đồng điệu.
Nhắc đến cô giáo, người ta luôn mường tượng ra sự ân cần, nhẹ nhàng, dạy dỗ chỉ bảo tận tình, sự nhiệt huyết và yêu trẻ. Cô Huế cũng không phải ngoại lệ. Cô đôi khi rất nóng tính nhưng rất kiên trì bên cạnh chúng tôi, có lần bạn Tường nhiều lần đánh nhau với các bạn, cô bực lắm nhưng khi thấy trò máu chảy đầy trán thì lại cuống cuồng chở học sinh đến bệnh viện băng bó vết thương, rồi bạn Thu hay dỗi bố mẹ bỏ nhà đi… cô lập tức bỏ bát cơm xuống đi tìm, đến khi trò về nhà rồi mới yên tâm quay về với bát cơm đã nguội. Giờ sinh hoạt, cô nói: Bố mẹ là người sinh ra và nuôi chúng ta khôn lớn trưởng thành, vẫn luôn quan tâm đến chúng ta, chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Vì vậy, các em phải làm sao để bố mẹ không phải lo lắng, buồn phiền.
Nhìn cô tận tuỵ với học sinh trong những lúc giảng bài hoặc kiên trì tâm sự chỉ bảo cho các bạn mắc lỗi sau mỗi tiết học em rất thương cô. Có những lúc em thấy rất thích làm cô giáo, nhưng em nóng tính mà ngành giáo luôn cần sự kiên nhẫn và em đã tự nhủ rằng “không bao giờ mình thi sư phạm” nhưng chính cô đã giúp em hiểu rằng, nếu em thật sự yêu nghề thì em sẽ làm được thôi. Cô rất niềm nở, hài hước và thân thiện. Trong mỗi giờ học của cô thường gắn liền với thực tiễn, tôi nhớ như in tiết học về sản xuất kinh doanh: Cô hỏi nhà bạn nào trồng lúa? Các bạn lần lượt giơ tay. Cô lại hỏi mỗi nguời được một sào ruộng, lúa tốt thì được 2 tạ thóc mà phải chăm sóc 6 tháng mới được thu hoạch, tính ra bằng tiền được 1,5 triệu. Vậy các em hãy tính xem mỗi ngày bác nông dân kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi cầm máy tính , tính đi tính lại nhiều lần vẫn chỉ là con số 8 nghìn ba trăm đồng. Tôi giật mình , sao thấp thế? Không đủ tiền tôi ăn một bữa sáng. Lúc bấy giờ cô mới nói, làm ruộng vất vả mà chưa chắc đủ ăn cho nên các em phải học thật tốt để sau này kiếm được việc làm tốt hơn, thu nhập ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc… Bài học thực tiễn vô cùng thấm thía đối với chúng tôi, khiến cho tôi thấy thương bố mẹ và thương các bác nông dân …
Mỗi tiết dạy của cô luôn gắn liền với thực tiễn
Cô Huế mang dáng dấp của người phụ nữ hiện đại nhưng cũng không quên đi nét truyền thống trong mình, là người phụ nữ giỏi việc trường, đảm việt nhà. Cô luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động trong trường, tích cực bồi dường học sinh giỏi các cấp, năm nào cô ôn cũng đều có giải cao. Vì vậy nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cô còn được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục. Không chỉ vậy cô còn rất đam mê văn nghệ, đợt nào có cuộc thi văn nghệ là cô lại vào cuộc và tham gia rất nhiệt tình, nhờ cô mà lớp tôi ngày một đi lên về mọi mặt. Chồng cô là bộ đội, thường xuyên vắng nhà, một mình cô lại gánh vác hết công việc trong gia đình, hai con của cô luôn là những con ngoan trò giỏi. Cô là người giữ lửa và ngọn lửa ấy luôn bùng cháy trong gia đình nhỏ hạnh phúc của cô.
Bức ảnh cô và trò cùng tham gia múa hát về mái trường
Tôi đang cảm nhận từng ngày trọn vẹn khi còn là học sinh của cô, khi còn được ngồi trên ghế nhà trường THPT Nguyễn Khuyến.
Hôm nay, cũng sắp đến kỉ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam. Em xin gửi tới cô lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc cô luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người. Nghĩ đến cô là tôi lại nhớ đến câu thơ :
“Suốt một đời đưa đón khách qua sông...
Ai còn nhớ người lái đò thầm lặng?
Vẫn ngược xuôi, dù gió mưa hay nắng!
Tiễn người đi... biền biệt chẳng về thăm?.
Vẫn lặng lẽ, bằng tất cả cái tâm...
Vì sự nghiệp trồng người đầy cao cả "