Dự chương trình có các đồng chí: Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đặng Đình Thoảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Bình Lục, xã Trung Lương cùng đông đảo nhân dân địa phương, các trường học trong huyện…
Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước – Sắc xuân vườn Bùi”, Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được tổ chức ở 3 địa điểm chính tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục là: Đình Vị Hạ, Từ đường Nguyễn Khuyến, Trường THCS Trung Lương, với nhiều hoạt động như: Lễ cáo yết thành hoàng làng; Lễ dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Khuyến; Tái hiện không gian “Tết xưa”, thầy đồ cho chữ và các trò chơi dân gian và trưng bày các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm được công nhận OCOP; trưng bày ảnh đẹp du lịch Hà Nam; Trưng bày báo Xuân và các ấn phẩm về nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ; Chương trình ngày Thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến; Hội thi "Tiếp bước Tam Nguyên"; Công diễn vở chèo "Cô Đào và cụ Tam Nguyên"...
Chương trình là dịp để tri ân, tôn vinh những đóng góp của Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Từ đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, để các áng thơ văn bất hủ được lan tỏa mãi, tạo động lực và khí thế khởi đầu một năm mới tràn ngập yêu thương, hạnh phúc đủ đầy.
Lễ dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Khuyến được tổ chức trang trọng tại Từ đường Nguyễn Khuyến (làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục). Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu, cán bộ, nhân dân, các thầy cô giáo và các em học sinh đã cùng nhau ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp văn chương, khoa cử của nhà thơ. Nguyễn Khuyến sinh ngày 15/2/1835, mất ngày 5/2/1909 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Dậu). Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Ông đỗ Hoàng Giáp – Đình Nguyên, đỗ đầu 3 khoa là thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được gọi là "Tam Nguyên Yên Đổ".
Hơn 800 tác phẩm thơ, văn và câu đối của ông đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống thơ văn của dân tộc. Nhiều bài thơ tuyệt tác của ông trở thành bất hủ, được đưa vào chương trình giáo dục của trường học, được các nhà sưu tầm nghiên cứu quan tâm, tiêu biểu nhất là ba bài thơ tả mùa thu: “Vịnh mùa thu", “Câu cá mùa thu", “Uống rượu mùa thu".
Phát biểu tại lễ dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày mất Nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng đã khằng định: Đã 115 năm trôi qua nhưng những áng thơ văn và tư tưởng yêu nước thương dân của ông vẫn được lưu truyền ngày càng rộng rãi làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam. Những di sản văn hoá ông để lại đang được các cấp, các ngành, cùng các thế hệ người dân địa phương quan tâm, bảo vệ, giữ gìn, phát huy, tôn tạo. “Trong ngày hôm nay, ngay tại chốn cũ vườn Bùi này, ngày thơ Việt Nam được tổ chức với chủ đề “ Bản hòa âm đất nước – Sắc xuân vườn Bùi” như một lời tri ân và tiếp nối các bậc thi nhân, để các áng thơ văn bất hủ được lan tỏa mãi, tạo động lực và khí thế, khởi đầu một năm mới tràn ngập yêu thương ấm áp, hạnh phúc đủ đầy”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc Ngày Thơ Việt Nam - Ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam ngay tại quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến với chủ đề “Bản hòa âm đất nước – Sắc xuân vườn Bùi”, đồng chí Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Qua chặng đường hơn 20 năm được tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam đã giúp những người yêu thơ được gặp gỡ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và đầm ấm, lan tỏa một nét văn hóa tốt đẹp mỗi dịp tết đến xuân về. Hoạt động Ngày Thơ Việt Nam trên quê hương Nguyễn Khuyến được tổ chức ngày hôm nay không chỉ tiếp nối các sự kiện mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, mà còn là sự kiện vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 115 năm Ngày mất của ông. Là dịp để tưởng nhớ một cốt cách sống tiêu biểu của một nhà Nho yêu nước, một nhà thơ lớn của dân tộc với những tác phẩm mà mỗi lần đọc lại, chúng ta càng thêm yêu quí, tự hào và ngưỡng mộ sự gần gũi của ông với làng quê, với nhân dân lao động.
Tại chương trình, đã diễn ra các nghi thức đánh trống khai mạc Chương trình Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến năm 2024; nghi thức kéo Cờ Thơ - lá Cờ Thơ mang hình ảnh chim Lạc bay trên chữ Thơ tượng trưng cho hồn Việt cất cánh thăng hoa cùng với thơ ca; nghi thức khai bút tân xuân. Bên cạnh đó là phần giao lưu thơ, ngâm bình thơ; nghi thức thả thơ và chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh biểu diễn.…
Trong khuôn khổ Chương trình Ngày thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến còn diễn ra hoạt động “Trưng bày báo Xuân Giáp Thìn và các ấn phẩm về Nhà thơ Nguyễn Khuyến”; trải nghiệm không gian “Tết xưa”, thầy đồ cho chữ và các trò chơi dân gian; các gian hàng trưng bày ảnh đẹp du lịch, các gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương, của tỉnh. Đặc biệt là cuộc thi “Tiếp bước Tam Nguyên”; chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, trong đó có các trích đoạn hay trong vở chèo "Cô đào và cụ Tam Nguyên”...
Dưới đây là một số hình ảnh tại Chương trình Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến năm 2024: