Ngày 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng Giáo dục Mầm non (GDMN) năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo và cán bộ các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), các trường cao đẳng có đào tạo ngành GDM và các Sở GDĐT.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyển sinh đối với học sinh, gia đình và toàn xã hội. Tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành. Trách nhiệm của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các trường THPT, các cơ sở GDĐH phải bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học trong các kỳ tuyển sinh.
Được đổi mới nhiều năm nay, nhất là từ năm 2015, 2016, công tác tuyển sinh đã dần đi vào ổn định như mong muốn của toàn xã hội, đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương. So với trước, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành học tốt nhất.
Hội nghị Tuyển sinh 2023 sẽ đánh giá kết quả đạt được, tác động của đổi mới; đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thấu đáo những vấn đề bất cập, những khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh, từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho tới xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, các hệ thống phần mềm hỗ trợ, công tác nhập học.
Lưu ý mỗi sai sót nhỏ có thể tác động rất lớn đến toàn hệ thống, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Một khi chúng ta thống nhất được những biện pháp, giải pháp để khắc phục, cải tiến thì chúng ta sẽ thống nhất, quán triệt hành động và tuyên truyền sâu rộng tới các học sinh, các trường THPT”.
Bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất theo nguyện vọng và năng lực thí sinh
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022, Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, Quy chế Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN (Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT đã đưa ra các nguyên tắc, khung cơ bản, yêu cầu tối thiểu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo (CSĐT).
Công tác tuyển sinh năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và CSĐT. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất, thực hiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến thuận tiện, được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đại học, cao đẳng ngành GDMN đã thể hiện kết quả khả quan. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39%. Tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu của tuyển sinh sư phạm trình độ đại học và cao đẳng GDMN đạt hơn 80%, với tổng số thí sinh nhập học là 38.915. Tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ chiếm đa số, lần lượt là 47,98% và 37,18%.
Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Những hạn chế trong xét tuyển sớm, các cơ sở, lĩnh vực tuyển kém và nguyên nhân cũng được nghiêm túc nhìn nhận và chỉ rõ trong báo cáo.
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học trao đổi tại Hội nghị
Năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, áp dụng Quy chế tuyển sinh 2022. Cùng với việc áp dụng chính sách điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 và CSĐT cần ban hành quy chế tuyển sinh riêng, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh thêm một số lưu ý, điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022. Đặc biệt, CSĐT cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Các giải pháp hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL), hạn chế nhầm lẫn, sai sót về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do; công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT; công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023 cũng cần được chú trọng.
Cải tiến kỹ thuật để thuận tiện cho thí sinh và công tác xét tuyển
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, Sở GDĐT, CSĐT thống nhất cao với nội dung báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 và phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023, đặc biệt là những kết quả đạt được trong việc đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đăng ký, xét tuyển, tổ chức xét tuyển, thanh toán lệ phí và nhập học. Thí sinh được đăng ký tất cả nguyện vọng trong cùng một hệ thống, được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên cao nhất, và có cơ hội lựa chọn được trường, được ngành theo mong muốn, năng lực của mình.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại liên quan đến các phương thức tuyển sinh khác nhau, kế hoạch tuyển sinh, chỉ tiêu và kết quả đạt được của các lĩnh vực, các ngành nghề khác nhau, tỉ lệ nhập học của các địa phương so với số thí sinh tốt nghiệp THPT,… Các đề xuất, kiến nghị của cơ sở đào tạo đã được đại diện Bộ GDĐT trao đổi, trả lời cụ thể.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, về cơ bản, tuyển sinh năm 2023 tương đối ổn định về phương thức, cách thức. Những cải tiến về mặt kỹ thuật sẽ được áp dụng để đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu sai sót cho thí sinh, tạo điều kiện cho các trường chủ động tham gia hệ thống, có đầy đủ dữ liệu để xét tuyển thuận tiện.
Thứ trưởng chỉ đạo, với định hướng đó, công tác tuyển sinh 2023 tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là hoàn thiện các văn bản, trong đó, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện, ban hành danh mục ngành thí điểm trong năm nay; các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình. Các trường tổ chức kỳ thi độc lập lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mình. Bộ GDĐT sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh và tài liệu hướng dẫn.
Thứ hai, Cục CNTT và Vụ GDĐH của Bộ GDĐT phối hợp hoàn thiện hệ thống công nghệ, CSDL. Bộ GDĐT đã hoàn thành, nghiệm thu CSDL quốc gia về giáo dục đại học (HEMIS) và sẽ từng bước kết nối, tích hợp với các CSDL, nhiệm vụ khác. Phần mềm tuyển sinh và HEMIS được kết nối từ năm 2022 và ngay trong năm 2023, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này.
“Toàn bộ quy trình tuyển sinh từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với HEMIS”, Thứ trưởng cho biết và lưu ý, trong tháng 3 này, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết với thời hạn cụ thể để các CSĐT hoàn thiện CSDL của mình, đặc biệt là những thông tin liên quan tới điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình.
CSDL của ngành sẽ kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, và CSDL khác như bảo hiểm, y tế,… đảm bảo nhất quán, chính xác. Do đó, các Sở GDĐT cần chỉ đạo hoàn thiện CSDL cho học sinh, nhất là học sinh lớp 12.
Các trường đại học tổ chức thi riêng, thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GDĐT để cập nhật dữ liệu lên hệ thống, tạo thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả để xét tuyển chung. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, các trường tổ chức xét tuyển sớm không được phép công bố thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.
Thứ ba, Bộ GDĐT sẽ xây dựng các tài liệu tiếp theo để tổ chức tập huấn, tuyên truyền. Việc tuyên truyền mạnh mẽ cần sự vào cuộc của các CSĐT, Sở GDĐT, các trường phổ thông, các cơ quan báo chí, nhằm giúp thí sinh không còn bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống và có trách nhiệm trong quá trình đăng ký.
“Chúng ta cần tạo công bằng cho thí sinh, công bằng ngay từ khi tiếp cận thông tin. Khi chúng ta có giải pháp thông tin tuyên truyền sâu rộng thì đây là giải pháp với chi phí thấp nhất để giảm thiểu sai sót. Đương nhiên về mặt kỹ thuật, hệ thống công nghệ và CSDL sẽ tiếp tục hoàn thiện để giảm thiểu sai sót này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn từ: Trung tâm Truyền thông giáo dục